Đó là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị Khoa học thường niên 2025 do Hội Lão khoa TPHCM tổ chức. Tại đây, giáo sư đã đưa ra những nhận định và giải pháp ở tầm vĩ mô của chính phủ, doanh nghiệp, bộ ngành về vấn đề “Già hóa dân số: Hậu quả, nguyên nhân và giải pháp của chính phủ, các doanh nghiệp, ngành y tế và xã hội”.
Hiện tượng già hóa dân số không thể xem nhẹ
Mở đầu bài báo cáo, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM thông tin, già hóa dân số là hiện tượng tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trong dân số tăng lên. Theo Liên Hợp Quốc, nếu tỷ lệ này trên 7%, quốc gia được coi là già hóa; trên 14% là quốc gia già; và trên 21% là siêu già.
Bản chất của già hóa dân số đến từ hai yếu tố chính: tuổi thọ tăng và tỷ suất sinh giảm. Khi tổng tỷ suất sinh giảm dưới mức thay thế (2,1 con/phụ nữ) và kéo dài, dân số trẻ sẽ giảm, lực lượng lao động suy giảm sau 15-20 năm, dẫn đến dân số già hóa.
30 năm sau khi tỷ suất sinh xuống thấp, dân số bắt đầu giảm. Sau năm 2060, dân số toàn cầu sẽ giảm. Trong khi đó, lực lượng lao động thế giới đã bắt đầu suy giảm từ khoảng năm 2055.Từ năm 1960 đến 2020, số người từ 65 tuổi trở lên trên thế giới tăng từ 150 triệu lên 727 triệu. Dự báo năm 2032 sẽ đạt 1 tỷ; năm 2050 là 1,7 tỷ và đến năm 2100 là 2,37 tỷ (bằng dân số toàn cầu năm 1947).
Giáo sư cho biết, cơ cấu dân số thay đổi rõ rệt, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) cao trên 66,7% thì gọi là giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”. Giai đoạn này thường kéo dài 40-50 năm, mang lại cơ hội phát triển kinh tế lớn nếu được tận dụng tốt.
Bài chia sẻ của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân thu hút nhiều Y bác sĩ tham dự và lắng nghe
Thách thức khi tỷ lệ người cao tuổi tăng
GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, già hóa dân số đặt ra nhiều thách thức. Đối với người già, tuổi cao làm cho khả năng tự chăm sóc nhu cầu hàng ngày của người cao tuổi càng giảm: Nhu cầu dọn dẹp, nấu ăn; nhu cầu đi lại; tắm, vệ sinh răng miệng; mặc quần áo; đại, tiểu tiện; uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ; nhu cầu tự rèn luyện sức khỏe; ăn, uống; thông tin, liên lạc, giải trí. Trong khi đó, một bộ phận người già ngày càng lớn sẽ không sống chung với con cháu.
Bên cạnh đó, hạnh phúc của người già gắn liền với cảm giác được sống có mục tiêu, có giá trị. Những yếu tố như sức khỏe, thu nhập, chỗ ở, quan hệ gia đình – xã hội ảnh hưởng đến chất lượng sống của họ. Vì vậy, việc điều chỉnh mục tiêu sống và hỗ trợ để họ sống khỏe, sống vui là điều thiết yếu.
Tổng tỷ suất sinh (TTSS) thấp dưới TTSS thay thế kéo dài cũng gây ra nhiều hậu quả, đặc biệt với 5 hệ lụy lớn: Thiếu hụt lao động trầm trọng; phải tăng nhập cư để bù đắp, gây ra các thách thức xã hội; dân số giảm; tỷ lệ người già tăng nhanh, gây áp lực cho hệ thống an sinh, y tế; ngân sách an sinh bị thâm hụt do chi nhiều, thu ít.
GS.TS Nguyễn Thiện Nhân thông tin, tại Việt Nam, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng gấp 4,5 lần vào năm 2050 so với 2000
Nguyên nhân dẫn đến già hóa dân số
GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nêu bật 5 nguyên nhân gốc rễ dẫn đến già hóa dân số:
Thứ nhất, lãnh đạo và doanh nghiệp chưa xem việc tái tạo con người, gia đình là nền tảng cho phát triển bền vững, dẫn đến giới trẻ không còn mặn mà với kết hôn, sinh con.
Thứ hai, nhà nước chưa thừa nhận đầy đủ hậu quả của tỷ suất sinh thấp và thiếu trách nhiệm trong việc cải thiện tình hình.
Thứ ba, lương tối thiểu không đáp ứng được nhu cầu nuôi một gia đình 4 người, khiến người lao động ngại sinh con.
Thứ tư, bỏ quy định kỷ luật sinh con thứ 3, nhưng chính sách lương và hỗ trợ không thay đổi, tỷ suất sinh có thể giảm xuống còn 1,87 trong năm 2025.
Thứ năm, các chương trình hỗ trợ sinh con không giải quyết được các vấn đề gốc rễ như thu nhập thấp, thiếu dịch vụ công, bất bình đẳng giới, môi trường sống không thân thiện với gia đình và trẻ em.
Tình hình già hóa dân số tại Việt Nam
Theo GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, nếu các chính sách về tiền lương, BHXH, nhà ở, giáo dục, truyền thông… không có thay đổi đột phá, già hóa dân số tại Việt Nam sẽ diễn ra theo 6 xu hướng đáng lo ngại:
Giáo sư cho rằng, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn xã hội già năm 2036 và siêu già năm 2060; số người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng gấp 4,55 lần từ năm 2000 đến 2050, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế và an sinh xã hội.
Tổng tỷ suất sinh giảm mạnh, từ 2,1 (năm 2021) còn khoảng 1,63 (năm 2050) và 1,38 (năm 2100); đến 2045, toàn bộ các tỉnh thành có thể có tỷ suất sinh dưới mức thay thế.
Năm 2045 lao động đạt đỉnh, sau đó sẽ giảm, gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế. Giai đoạn 2050-2100 GDP/người sẽ trì trệ và suy giảm.
Khoảng năm 2080 nguy cơ quỹ BHXH sẽ mất khả năng thanh toán, xảy ra khủng hoảng an sinh người già.
Dân số đạt đỉnh 107 triệu người vào năm 2050, sau đó giảm còn 88 triệu năm 2100, 46 triệu năm 2200, 22,5 triệu năm 2300, 4 triệu năm 2544 và 136.000 năm 3000.
Đề xuất giải pháp để người già hạnh phúc – đất nước giàu mạnh – dân tộc trường tồn
Trước tình hình già hóa dân số, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân đã đề xuất 10 nhóm giải pháp để người già hạnh phúc, bao gồm: Giữ gìn, phát huy truyền thống, lấy gia đình làm chỗ dựa cho người già; giáo dục học sinh kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc; khuyến khích sống lành mạnh, rèn luyện sức khỏe suốt đời; hướng dẫn người già và gia đình tự chăm sóc sức khỏe; đảm bảo thu nhập khi về hưu qua BHXH và hỗ trợ; phổ cập BHYT, nhất là cho người già, trẻ em; đầu tư hệ thống chăm sóc người cao tuổi toàn diện; phát triển nhà ở đa thế hệ, hỗ trợ người già; khuyến khích người già sinh hoạt nhóm, rèn luyện sức khỏe; tạo điều kiện cho người già làm việc phù hợp.
Ngoài ra, giáo sư còn đề xuất thêm 12 nhóm giải pháp để đất nước giàu mạnh, dân tộc trường tồn:
1. Phát triển bền vững con người là then chốt; duy trì tỷ suất sinh thay thế, ổn định giới tính khi sinh.
2. Chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống cho gia đình 4 người; hỗ trợ tài chính sinh con.
3. Phổ cập giáo dục mầm non từ 6 tháng tuổi; mẹ sau sinh nghỉ 6 tháng hưởng lương.
4. 100% dân có BHYT, do người lao động và chủ sử dụng chi trả; nhà nước hỗ trợ đối tượng yếu thế.
5. 100% lao động có bhxh; cải cách BHXH để đảm bảo lương hưu bền vững.
6. Giáo dục văn hóa truyền thống, lòng yêu nước, bình đẳng giới từ phổ thông.
7. Chính phủ & doanh nghiệp triển khai nhà ở để mọi gia đình có chỗ ở, không cản trở lập gia đình.
8. Đảm bảo an toàn, nhân văn trong lao động; hỗ trợ phụ nữ có con phát triển nghề nghiệp.
9. Dạy kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc từ bậc phổ thông.
10. Giáo dục trách nhiệm, tự hào công dân; tạo điều kiện thân thiện cho mẹ và trẻ em.
11. Phát triển hệ thống tư vấn hôn nhân – sinh sản; tôn trọng quyền sinh con.
12. Hỗ trợ cặp vợ chồng vô sinh tiếp cận điều trị sinh con với chi phí phù hợp.
GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, việc triển khai các giải pháp để đất nước giàu mạnh, dân tộc trường tồn đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao của lãnh đạo các nước, đòi hỏi phải thay đổi nhiều nếp nghĩ, chuẩn mực ứng xử mà doanh nghiệp trong các nền kinh tế thị trường trong hơn 150 năm qua (kể từ khi Các Mác xuất bản Tập 1, Bộ sách Tư bản năm 1867) đã “áp đặt” thành công lên các nước.
Nếu không chuyển từ chính phủ quy định tiền lương tối thiểu sang chính phủ quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người thì không bao giờ giữ được TTSS ở xung quanh mức TTSS thay thế, con đường kinh tế tăng trưởng chậm dần, trì trệ và suy giảm là không tránh khỏi, dân số teo lại và dân tộc tiêu vong là không tránh khỏi.
Hội nghị Khoa học thường niên 2025 do Hội Lão khoa TPHCM tổ chức trong 3 ngày (từ 11 – 13/4) với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý người cao tuổi”. Chương trình thu hút 1.600 y bác sĩ, nhân viên y tế về tham dự.
Hội nghị là diễn đàn quy tụ các chuyên gia là Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ… hàng đầu trong các lĩnh vực Y học Việt Nam. Những cái tên bảo chứng cho chất lượng hội nghị hàng đầu có thể kể đến: GS.TS.BS Võ Thành Nhân – Chủ tịch Hội Tim mạch Can thiệp TPHCM; GS.TS.BS Đặng Vạn Phước – Chủ tịch Hội Tim mạch TPHCM; PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí – Chủ tịch Hội Lão khoa TPHCM; PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay – Chủ tịch Hội Đông Tây y kết hợp TPHCM; PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc – Chủ tịch Hội Bệnh tự miễn Cơ Xương Khớp TPHCM…
Nội dung hội nghị với 131 bài báo cáo trình bày bởi hơn 104 báo cáo viên, tổ chức song song tại 6 hội trường.
Nguồn: Hội Lão khoa Tp.HCM